21/06/2022
Lượt xem: 1361
Nuôi tôm siêu thâm canh theo hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài - “CTU-RAS”
Trong khuôn khổ dự án “Mô hình trình diễn hệ thống nuôi trồng thủy sản tiên tiến cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển - DeMAASERD”, sáng ngày 18/6/2022, tại Trại Thực nghiệm Trường Đại học Cần Thơ tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo: Nuôi tôm siêu thâm canh theo hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài - “CTU-RAS”. Dự Hội thảo, có GS. TS. Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cùng khoảng 50 đại biểu là lãnh đạo, công chức, viên chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; giảng viên Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ; Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu; doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

GS. TS. Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu kết quả thực hiện “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài - “CTU-RAS””
Dự án “Mô hình trình diễn hệ thống nuôi trồng thủy sản tiên tiến cho đào tạo, nghiên cứu và phát triển - DeMAASERD” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện, GS. TS. Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ và GS Ts Ching-Fong Chang, Trường Đại học Quốc Gia Hải Dương Đài Loan -NTOU đồng Chủ nhiệm; với sự tài trợ của Công ty TNHH Hoàn Cầu Việt Nam -VNGPE và sự phối hợp Trường Đại học Quốc Gia Hải Dương Đài Loan - NTOU, Công ty TNHH sản xuất Giống Thủy sản Thành Nhân, Công ty TNHH sản xuất Giống Thủy sản Rồng Vàng, Công ty Cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc PROCONCO. Dự án được triển khai nhằm xây dựng mô hình trình diễn hệ thống nuôi trồng thủy sản tiên tiến, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm và hiệu quả để phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long và khu vực.
Tại Hội thảo, các đại biệu đã được nghe GS. TS. Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu tóm tắt dự án và kết quả thực hiện “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài - “CTU-RAS”” tại Trại Thực nghiệm Trường Đại học Cần Thơ tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; đồng thời các đại biểu đã trao đổi xoay quanh các vấn đền như: Cách thức vận hành hệ thống lọc tuần hoàn, sử dụng bí đỏ xay nhuyễn để bổ sung vào khẩu phần ăn của tôm nuôi, giám sát dịch bệnh trong quá trình, hợp tác chuyển giao quy trình công nghệ,…
Mô hình nuôi với diện tích khoảng 01 ha, được xây dựng và đưa vào vận hành từ đầu năm 2021 đến nay. Mô hình được thiết kế thành 03 hệ thống ao lót bạt: Hệ thống xử lý nước để cấp cho hệ thống nuôi (03 ao, chiếm 30% tổng diện tích); hệ thống ao nuôi (08 ao nổi (02 ao ương), chiếm 30% tổng diện tích); hệ thống ao lọc tuần hoàn (08 ao, trong đó: 02 ao lọc sinh học và 06 ao nuôi cá rô phi; chiếm 30% tổng diện tích) và các yêu cầu kỹ thuật khác (quạt nước, hệ thống cung cấp oxy, hệ thống ống dẫn nước,…) đảm bảo yêu cầu cho việc nuôi tôm siêu thâm canh.
Tôm nuôi được ương trong ao ương với mật độ 1.000 con/m2, sau khoảng 20 ngày, tiến hành chuyển sang ao nuôi thương phẩm; sau thời gian nuôi (tính cả thời gian ương) từ 56 - 84 ngày, tôm đạt kích cỡ giao động từ 40 - 80 con/kg, tỷ lệ sống đạt khoảng 85%; năng suất đạt từ 35 - 50 tấn/ha/năm. Thức ăn sử dụng là thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho nuôi tôm, kết hợp với bổ sung bí đỏ xay nhuyễn (03 cử thức ăn công nghiệp + 01 cử bí đỏ xay nhuyễn/ngày). Thông qua vận hành hệ thống nuôi, các chỉ tiêu môi trường nước khá ổn định, nước trong hệ thống nuôi được tái sử dụng (tiết kiệm nước), hạn chế lây lang dịch bệnh, không sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi trong quá trình vận hành hệ thống nuôi; dễ việc chăm sóc, quản lý; an toàn sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường (nhờ hệ thống lọc tuần hoàn).
Qua 05 vụ nuôi, có thể xem đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng; tỷ lệ sống, năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao; có khả năng triển khai ứng dụng rộng rãi cho người dân với qui mô khác nhau, tùy vào điều kiện của người nuôi.
Hiện nay, Trường Đại học Cần Thơ đang thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với quy trình công nghệ nuôi này để làm cơ sở cho việc chuyển giao cho người dân để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần phần phát triển ngành tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hệ thống ao nuôi
Lâm Văn Tùng